Kỳ lạ pho tượng Phật hai lần mất trộm đều “trở về”

Hotline:
0332.633.994
Tin tức
Mang nghệ thuật đến mọi không gian
Kỳ lạ pho tượng Phật hai lần mất trộm đều “trở về”

    Kỳ lạ pho tượng Phật hai lần mất trộm đều “trở về”

     

         Trong số rất nhiều tượng phật, sắc phong, đồ thờ có giá trị lịch sử lâu đời ở chùa chiền bị mất, rất hiếm có trường hợp tìm lại được. Thế nhưng, pho tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) thì cả hai lần bị mất đều tìm thấy nhanh chóng.

     

     

    Đề phòng hơn với khách lạ

     

         Ngôi chùa cổ làng Mễ Sở những ngày này như tấp nập người ra vào hơn ngày thường. Nhưng trái với không khí nặng nề của 10 ngày trước, các tăng ni của chùa không chỉ trút được gánh nặng mà còn nâng cao tính cảnh giác cao độ.

     

         Thấy chúng tôi đến, một ni cô lẳng lặng ra khóa cánh cửa, lối dẫn lên tòa bảo tháp như để "phòng còn hơn chống". Pho tượng dù đã được đưa về chùa, nhưng được các tăng ni cho biết là "đang niêm phong để phục vụ công tác điều tra", nên người ngoài nếu chưa được sự đồng ý của cơ quan điều tra thì nhà chùa không thể tự tiện đưa vào nơi có pho tượng.

     

         Trong lúc chờ sư trụ trì Thích Đàm Lan về, chúng tôi đi thăm một vòng mới thấy, chùa vẫn giữ được gần như nguyên trạng nét cổ xưa. Có sửa sang nhưng không sơn son thiếp vàng mới tinh như rất nhiều ngôi chùa khác. Dấu ấn thời gian của rêu phong tạo nên nét cổ kính, trầm mặc. Chùa mang dấu ấn kiến trúc thời Lê, nằm ngay sát đê sông Hồng.

     

         Nơi đây không chỉ là một vùng quê trù phú mà còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, chùa Phú Thị… đã tạo nên một quần thể di tích rộng lớn. "Tiếng lành đồn xa" nhất là chùa Mễ Sở, nơi có pho tượng "thiên thủ thiên nhãn" được chế tác bằng gỗ mít từ thế kỷ 18.

     

         Bức tượng này, theo GS Trần Lâm Biền, là một trong 10 bức tượng Phật nghìn tay nghìn mắt quý nhất trong nước. Với khuôn mặt thanh thoát, thuần hậu, thân hình thon thả, tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt chùa Mễ Sở được coi là pho tượng gỗ tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Các chi tiết khác được phối hợp một cách hài hòa, đăng đối và mang đậm nét nhân ái, từ tâm của đạo Phật và tâm hồn Việt Nam.

     

         Chờ đợi sư thầy Thích Đàm Lan khá lâu, nhưng khi trò chuyện với thầy, thông tin mà chúng tôi ghi nhận được rất ít ỏi. Thầy kiệm lời, phong thái dè chừng và bộc lộ rõ sự mệt mỏi khi "bỗng nhiên" ngôi chùa được "nổi tiếng" theo cách chẳng ai mong muốn.

     

         Hỏi thầy về cảm xúc mấy ngày qua ra sao, khi pho tượng quý nhất do mình tiếp quản bị mất, thầy buông: "tâm trạng bị mất trộm thì ai chả có, nhà báo cứ đặt mình vào hoàn cảnh đó là biết thôi". Hỏi tượng có bị hư hại gì không, thầy cũng nói chung chung như thể cho "xong việc" và lặp đi lặp lại câu "chờ cơ quan chức năng điều tra".

     

    Không khí như mở hội khi tìm lại được tượng Phật

     

         Mang sự băn khoăn này hỏi ông Lê Tuấn Anh, Trưởng thôn Mễ Sở, ông phân trần: "Chùa bây giờ là di tích lịch sử quốc gia, lại vừa xảy ra sự việc "tày đình" như thế nên trên Bộ, Sở VT-TT&DL có về làm việc. Công an cũng vẫn đang tiến hành điều tra nên nhà chùa không được phép phát ngôn gì đâu".

     

         Như để minh chứng cho sự thân thiện, cởi mở của người làng Mễ Sở, ông Lê Tuấn Anh tận tình chia sẻ những thông tin xung quanh pho tượng cổ. Ông bảo, hồi pho tượng bị mất lần đầu vào năm 1988, lúc đó tôi mới 20 tuổi thôi. Sự việc xảy ra vào đúng giai đoạn sư trụ trì chùa mới mất nên không có người tiếp quản.

     

         Rất may là tên trộm lại thuê chính người lái xe tải của làng để chở pho tượng. Lúc đầu anh này được thuê chở nên không biết chở cái gì. Chỉ đến khi làng báo mất, lần theo manh mối "nghi vấn" này mà pho tượng đã được tìm thấy tại nhà một nghệ nhân ở làng Vân Hồ, Hà Nội.

     

         Có vẻ như kẻ gian đang thuê người phục chế lại để bán, vì quá trình di chuyển đã khiến tượng bị "rụng" mất mấy cánh tay. Khi biết chuyện, chính nghệ nhân này đã về làng tôi để chế tác những phần hư hỏng của pho tượng mà không lấy một đồng nào". Theo tài liệu ghi chép lại, tháng 10 tượng bị mất thì đến tháng 11 năm đó, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

     

         Và cũng thật kỳ lạ, sau 28 năm, pho tượng lại lần nữa bị mất vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay. Người tìm ra manh mối lại cũng chính là người dân trong làng. Ông Lê Tuấn Anh kể: "Tôi nhận được tin báo qua điện thoại, vì từ hôm mất cắp, tôi cho đăng công khai số điện thoại trên mạng.

     

         Có lẽ do thông tin trên báo cho biết, các cơ quan chức năng đang ráo riết vào cuộc nên "đạo chích" đã hoảng sợ mà bỏ lại bên vệ đường, vẫn nằm trong địa phận Hưng Yên. Sau khi kiểm tra thì thấy, tượng bị gãy mất 42 tay. Chúng tôi cũng đã lên Hà Nội để tìm lại nghệ nhân lúc trước nhưng không thấy. Chả biết là cụ còn sống hay đã mất".

     

         Chia sẻ về công tác bảo vệ tới đây với chùa Mễ Sở, bà Vũ Thu Hà cho biết, chắc chắn là xã sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ để bảo đảm an ninh cho không chỉ chùa Mễ Sở mà còn với các di tích khác trong xã. Ngoài Mễ Sở, xã còn có hai di tích được xếp hạng cấp quốc gia là chùa Nhạn Pháp và chùa Phú Thị.

     

         Trưởng thôn Lê Tuấn Anh cũng nói rằng, vì chùa giờ còn có sự quản lý từ cấp Bộ, nhưng trong khi chờ các phương án từ cấp trên xuống thì dân làng chúng tôi đã họp bàn và sẽ chủ động để đưa ra biện pháp bảo vệ trước.

     

         Theo đó, nơi đặt pho tượng sẽ được làm thêm cửa sắt ở bên ngoài cửa gỗ. "Vòng ngoài" cũng được tăng cường tuần tra giám sát của các lực lượng an ninh trong xã như công an, dân phòng, lực lượng cựu chiến binh...

     

         Được biết, sau khi tiến hành điều tra xong, nhà chùa và chính quyền xã Mễ Sở sẽ chọn ngày để làm lễ phục vị cho Phật bà nghìn tay nghìn mắt. Trưởng thôn Lê Tuấn Anh nói: “Chắc chắn đó sẽ là ngày hội vui vẻ và xúc động nhất của người dân làng Mễ Sở”.

     

         Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Sở cho biết: “Từ hôm tìm được lại pho tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt, người dân trong làng mừng như mở hội. Có cụ cao niên còn xúc động đến phát khóc. Rất hiếm có các báu vật quốc gia bị mất mà tìm lại được. Với các cụ thì điều đó còn gắn với sự linh thiêng nên sau mỗi lần mất thì Phật Bà lại tìm về với dân làng".